Cảm nghĩ về bài thơ Phò Giá Về Kinh
Hướng dẫn
a) Mở bài – Đặt vấn đề:
– Niềm tự hào của quân và dân ta trong trận chiến Đại Việt vào xuân – hè năm Ất Dậu 1285 được danh tướng kiệt xuất Trần Quang Khải thu nhỏ trong bài thơ “Phò giá về kinh”
– Bài thơ nêu lên tinh thần quả cảm chống giặc của dân tộc ta với những chiến thắng lẫy lừng vang khắp một bể trời
– Đó là chiến thắng của sức mạnh đoàn kết toàn dân, là sự mưu lược đầy sáng suốt của các vị tướng
b) Thân bài – Triển khai:
– Hai câu mở đầu nóng bỏng hơi thở chiến trận và đậm chất anh hùng ca:
Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
+ Nhắc đến những chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử là nhắc đến sự vẻ vang, niềm tự hào khi chúng ta đã quét sạch tụi cướp nước trong hai trận chiến đó
+ Chiến thắng đó là niềm tin son sắt vào sức mạnh của dân tộc Đại Việt, sức mạnh đó được kết nối với từng con dân Việt để tạo nên sức mạnh to lớn chiến thắng với kẻ địch mạnh và hung bạo
+ Tác giả không tả lại cảnh khói lửa binh đao, cũng không tả lại cảnh quyết chiến của quân ta, mà chỉ kể lại theo cách liệt kê sự kiện, nhưng vẫn làm sống dậy cả một không khí trận mạc hào hùng bởi tiếng gươm khua, ngựa hí, tiếng binh khí, và cả tiếng thét tiến công vang dội. Sức gợi cảm của cách nói giản dị mà cương quyết, rắn rỏi là ở đó.
+ Hai cụm từ: Đoạt sáo (cướp giáo) và cầm Hồ (bắt giặc) được đặt ở đầu mỗi câu thơ giống như những nốt nhấn trong khúc ca đại thắng. Giọng thơ sảng khoái, hào hùng, phản ánh khí thế bừng bừng của dân tộc ta thời ấy. Từ vua quan, tướng sĩ đến dân chúng ai cũng hả hê, sung sướng, tự hào.
+ Trần Quang Khải là nhà thơ đầu tiên đã đưa địa danh sông núi Đại Việt thân yêu vào thơ ca. Cái tên Chương Dương và Hàm Tử đã in đậm vào lịch sử chống ngoại xâm, vào lịch sử văn chương như một dấu son chói lọi. Phải là người trong cuộc, tha thiết yêu non sông gấm vóc của đất nước mình, Trần Quang Khải mới viết được những câu thơ hào hùng đến thế!
– Nên như mạch cảm xúc của hai câu đầu hướng về chiến trận, về hào quang chiến thắng, thì ở hai câu sau, mạch cảm xúc lại mở ra một hướng khác:
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu
+ Chúng ta sống trong không khí chiến thắng đầy hào sảng những vẫn không quên nhiệm vụ trước mắt là phải gìn giữ, bảo vệ dân tộc trong từng giây từng phút
+ Lấy lại sự bình yên của một giang sơn trước lũ giặc không phải tự dưng mà có được mà phải nhờ sự nổ lực, hi sinh của dân và quân ta. Vì thế sau chiến thắng ấy chúng ta không thể không cảnh giác trước những thế lực còn lăm le đe dọa đến sự an nhiên Tổ quốc ta
+Niềm mong mỏi của nhà thơ chính là khát vọng của cả một dân tộc, của muôn triệu trái tim Đại Việt xưa và nay
+ Vì thế hai câu kết với cảm hứng hoà bình đậm chất nhân văn đã đem lại cho bài thơ một vẻ đẹp mới, lấp lánh đến muôn đời.
c) Kết bài – Đánh giá:
– “Phò giá về kinh” thể hiện lòng yêu nước theo kiểu mộc mạc, tự nhiên nhưng mạnh mẽ, hào hùng
– Bài thơ phản ánh bản lĩnh vững vàng, khí phách hiên ngang của dân tộc ta
– Thể hiện niềm tự hào to lớn về sức mạnh chiến thắng của dân tộc ta và làm sống lại những năm tháng hào hùng đánh đuổi quân xâm lược Nguyên – Mông
– Một khí thế hào hùng và bày tỏ khát vọng xây dựng, phát triển đất nước trong hòa bình với niềm tin đất nước sẽ bền vững nghìn thu.
Nguồn: Vietvanhoctro.com