Cảm nhận về âm hưởng ca dao dân ca trong bài thơ Việt Bắc
Bài làm
Tố Hữu là một nhà thơ lớn của dân tộc với phong cách trữ tình-chính trị. Các tác phẩm của ông đã phản ánh chân thực những chặng đường cách mạng của dân tộc, luôn hướng đến cái ta chung, ngợi ca lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn với một giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, đậm đà tính dân tộc, mạng âm hưởng của ca dao dân ca. Bằng giọng thơ, phong cách ấy, bài thơ Việt Bắc đã ra đời trong một sự kiện lịch sử có thật, thể hiện cuộc chia tay lưu luyến giữa người ở lại và người ra đi, giữa Việt Bắc và những người cách mạng. Cụ thể, đoạn trích trong tác phẩm Sách giáo khoa lớp 12 với tám câu thơ đầu mang đậm dấu ấn ca dao đã để lại cho độc giả những ấn tượng không thể phai mờ.
Sự kiện lịch sử có thật là hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Việt Bắc là tháng 7 năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình lặp lại ở miền Bắc, đến tháng 10, những người kháng chiến từ căn cứ miền núi trở về miền xuôi, trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Đoạn trích Việt Bắc đã khắc họa nên bức tranh kỷ niệm trong buổi chia tay đầy bịn rịn, nuối tiếc, có cả những lo sợ. Tình cảm của Việt Bắc với những người chiến sĩ cách mạng sắp trở về thủ đô trong bức tranh ấy sáng bừng lên tình nghĩa thủy chung giữa cán bộ cách mạng và đồng bào Việt Bắc, là khúc hát tâm tình của những con người trong kháng chiến. Họ ra đi để lại núi rừng hùng vĩ, đẹp đẽ đồng thời cũng là khẳng định về chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Miền Bắc giải phóng, những người cách mạng trở về Hà Nội tiếp tục công cuộc bảo vệ tổ quốc khiến người ở lại lưu luyến bịn rịn không thôi:
“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn.”
Cả bài thơ Việt Bắc bắt đầu bằng cặp đại từ quan hệ “ mình – ta”, mở ra một lối đối đáp quen thuộc của ca dao dân ca có sự hưởng ứng và đồng vọng. Lời đáp không chỉ nhằm giải đáp cho những điều đặt ra của lời hỏi mà còn là sự tán đồng, làm cụ thể và phong phú thêm những tình ý trong lời hỏi, có khi trở thành lời đồn vọng vang lên những tình cảm thủy chung.
Đoạn trích là một lời chia tay, là lời chào từ biệt của người cán bộ từ Việt Bắc trở về xuôi. Gọi Việt Bắc là “mình” là lời gọi những người thân thiết, yêu quý, gần gũi. Nhưng, tác giả dặn lòng vào đây một tình cảm mới của những người chia tay có tình nghĩa mặn nồng. “ Ta” là người ra đi, là kháng chiến, là cách mạng, đôi khi lại cũng là kẻ ở. “ Mình” là Việt Bắc nhưng cũng có thể là người chuẩn bị ra đi. “ Ta” với “ mình”, “ mình” với “ ta”vừa gần gũi vừa thân thuộc, vừa tự nhiên lại chân tình. Cặp đại từ quan hệ được trao đổi, biến hóa linh hoạt, chuyển hóa đa nghĩa, khi là chủ thể, khi là đối tượng hòa nhập làm một mình gợi ra không khí ca dao làm cho tình cảm kẻ ở người đi thêm thân mật, trìu mến, keo sơn không thể tách rời.
Gắn bó thân thiết với Việt Bắc thì cách mạng vẫn phải chia tay, một cuộc chia tay đầy vấn vương, lưu luyến:
“ Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”.
“ Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.”
Người ta thường nói đến một đặc trưng nổi bật của thơ Tố Hữu, đó là chất trữ tình chính trị mà Việt Bắc là một minh chứng rõ nét. Nhà thơ muốn nhân sự kiện cán bộ cách mạng từ Việt Bắc về xuôi tiếp quản Thủ đô để tổng quát lại cuộc kháng chiến chín năm rất đáng tự hào của dân tộc ta trên chiến khu Việt Bắc và, ghi lại thời điểm chia tay giữa đồng bào Việt Bắc với cơ quan kháng chiến. Nhưng, Tố Hữu không làm bản tổng kết về cuộc kháng chiến, không làm bản thông báo về sự kiện chính trị mà, đã trữ tình hóa tất cả. Thơ ông đốt cháy trái tim để trở thành trí tuệ, lấy cảm xúc mãnh liệt của trái tim mà nhận thức những chân lý sống, chân lý cách mạng. Vì vậy, mở đầu tác phẩm Việt Bắc, nhà thơ mang đến cho người đọc một cuộc trò chuyện tâm tình, những câu hát đối đáp tha thiết mặn nồng trong âm hưởng của ca dao dân ca:
“ Mình về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười “
“ Mình về ta dặn câu này
Dặn dăm câu nhớ dặn mười câu thương”.
Tố Hữu học thơ từ ca dao nhưng không chỉ là tình cảm yêu thương khăng khít, bền chặt “ mình ta” như các cặp vợ chồng mà cao hơn là tình nghĩa cách mạng đong đầy. “ Mình về mình có nhớ ta”. “ Mình” là cách mạng, “ ta” là Việt Bắc. Nhớ về Việt Bắc bởi đó là quê hương cách mạng, là nơi che chở cho bộ đội trong những năm kháng chiến gian khổ, là mối tình đầu mười lăm năm khăng khít của người ra đi. Cặp đại từ quan hệ “ mình ta” đưa câu thơ trở về với hơi thở ca dao bình dị, đằm thắm như tình yêu lứa đôi để gửi gắm tình cảm lớn lao trong thời đại mới.
Khúc hát chia tay được cất lên bắt đầu từ chính lòng người ở lại. Trở đi trở lại tiếng gọi đối với mình như để nói lòng người Việt Bắc không nguôi nhớ người miền xuôi nhưng lại càng xoáy sâu vào ký ức của người về xuôi niệm kỷ niệm chan chứa nghĩa tình. Để người ở lại cất lời trước vì người ở lại bao giờ cũng mang nhiều tâm trạng, niềm nhớ nhung, lo lắng liệu rằng “mình” về xuôi có còn nhớ đến “ta”, còn nhớ mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng. Mười lăm năm ấy không chỉ gợi lên sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc 1945-1954 mà còn là quãng thời gian gắn bó khăng khít giữa Việt Bắc và cách mạng như mối tình đầu đầy mặn nồng, thân thiết. Người ở lại nhắc nhở người ra đi về đạo lí ân nghĩa thủy chung “ nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn.”
Nhưng:
“ Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Nghìn năm hồ dễ đã ai quên.”
Người về làm sao có thể quên mười lăm năm ấy ân nghĩa thủy chung. Câu hỏi của người ở lại làm bâng khuâng cả núi rừng sông suối, cả đất trời và cả cõi lòng “ mình” trong khung cảnh chia tay:
“ Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.”
Trong mạch hát đối đáp, bài thơ đã dành bốn câu thơ để diễn tả tâm trạng người về xuôi tạo nên sự cân đối với bốn dòng thơ mở đầu và sự tương ứng của lòng người về xuôi. Nhớ thương đáp lại nhớ thương, tha thiết đáp lại tha thiết, cái mặn nồng của người ở lại đáp lại cái quyến luyến không nỡ rời chân của người ra đi. Trong mạch cảm xúc tình tứ ấy, tiếng lòng người cất lên:
“ Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi”.
Một chữ “ ai” vang lên là một đại từ phiếm chỉ để chỉ chung một đối tượng không xác định nay cất lên tiếng hát trong cuộc chia tay đầy lưu luyến. Người ở lại nhắc nhở người ra đi mở rộng cõi lòng để đón nhận tiếng thiết tha của tình cảm thủy chung trong giờ phút chia tay nhưng bức chân cứ dùng dằng, bồn chồn, có rời đi cũng không thôi nhớ thương quê hương Việt Bắc.
Khéo léo sử dụng giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, trìu mến của ca dao dân ca, Tố Hữu đã diễn tả cuộc chia tay đầy lưu luyến, bịn rịn của người ở lại và những người ra đi. Qua cách sử dụng cặp đại từ quan hệ “mình ta”và thể thơ lục bát đã thể hiện tài năng cùng tình cảm sâu nặng, chân thành Tố Hữu dành cho quê hương cách mạng nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Từ khóa tìm kiếm:
- https://baiviethay com/cam-nhan-ve-am-huong-ca-dao-dan-ca-trong-bai-tho-viet-bac html