Đề bài: Phân tích bài thơ “Đi đường” của Hồ Chí Minh
Bài làm
Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ lừng lẫy của nước ta. Người đã có công đi tìm đường giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân ta thoát khỏi kiếp nô lệ lầm than. Ngoài ra, tác giả Hồ Chí Minh cũng là một nhà thơ, một nhà văn lừng lẫy của nước ta. Mỗi tác phẩm của người đều thể hiện tinh thần yêu quê hương đất nước, nói lên tinh thần ung dung lạc quan, hòa mình với cảnh đẹp thiên nhiên.
Bài thơ “Đi đường” toát lên tinh thần thép, sự rắn rỏi thể hiện sự lạc quan từ những bài thơ trong hoàn cảnh tác giả bị bắt giữ trong chế độ nhà lao của Tưởng Giới Thạch tàn bạo.
“Tài lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại hựu trùng san
Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lí dư đồ cố miện gian”.
Bài thơ được dịch là:
“Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.
Bài thơ được sáng tác trong những năm tác giả Hồ Chí Minh bị giam giữ trong nhà lao của Tưởng Giới Thạch. Trong thời gian này tác giả đã sáng tác rất nhiều bài thơ hay in thành tập thơ ” Nhật ký trong tù”
Bài thơ “Đi đường” được viết nhân một lần tác giả bị áp giải từ nhà lao này tới nhà lao khác, trải qua quãng đường áp giải gian nan, hiểm trở với những ngọn núi trùng điệp ở vùng vực sâu thăm thẳm nhiều nguy hiểm vây quanh.
“Đi đường mới biết gian lao”
Câu thơ là một nhận định nhưng đồng thời những chân lý sống sâu sa. Thể hiện sự vật vả, gian nan, những khó khăn trong công việc đi đường, lại còn trong cảnh chân tay bị gông cùm xiềng xích.
“Núi cao rồi lại núi cao trập trùng“
Trong quá trình đường chuyển lao là những con đường đi qua những vùng núi vô cùng hoang sơ hiểm trở của tỉnh Quảng Tây, đất nước Trung Quốc. Những vùng núi tầng tầng, lớp lớp thể hiện sự trùng điệp hoang sơ nối tiếp nhau chạy mãi tới cuối trời.
Những ngọn núi vô cùng hùng vĩ, núi cao trập trùng, thể hiện sự gian nan, vất vả trong khung cảnh người tù bị áp giải trên đường đi. Thể hiện sự tàn ác dã man của chế độ Tưởng Giới Thạch khi đã hành hạ những người dân vô tội.
“Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lí dư đồ cố miện gian”
Hai câu thơ được dịch khá sát là:
“Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.
Sau những nhọc nhằn, gian nan của con đười leo núi, khi đã lên tới tận đỉnh người chiến sĩ cách mạng được chứng kiến một bức tranh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, hùng vĩ đó chính là hình ảnh quê hương mình, nước non Việt Nam thân thương.
Theo tâm lý thông thường trên con đường gian lao trập trùng, nhiều đồi núi khi con người có thể chinh phục thử thách, khi lên tới đỉnh sẽ mệt mỏi nhìn xuống sẽ là những con đường đi qua vô cùng gian nan ngút ngàn, dốc cao thăm thẳm.
Nhưng tác giả Hồ Chí Minh thì không thể hiện như vậy, khi lên tới tận đỉnh núi người cảm thấy sung sướng, cảm thấy tự hào vì mình đã chinh phục được những khó khăn thử thách, nhìn xuống dưới người cảm nhận được sự hùng vĩ của muôn trùng nước non.

“Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non” thể hiện sự hào sảng, anh hùng. Nó gợi lên cho chúng ta một sự mênh mông, bao la ngút ngàn của núi rừng trùng điệp.
Trong giây phút đó tác giả cảm nhận được niềm hạnh phúc, sung sướng khi nhìn thây xa xa là hình ảnh quê hương thân thương của mình, nơi có những người dân thân thương, có những mái nhà đơn sơ quen thuộc.
Dù thân thể bị gông cùm, xiềng xích, bị áp giải đi sớm leo qua nhiều núi rừng hiểm trở nhưng những điều đó không là cho lý tưởng, ước mơ của tác giả bị mất đi, mà nó càng làm tăng thêm tình cảm yêu quê hương đất nước, tự tin vào con đường cách mạng mà mình đã lựa chọn.
Niềm tin sắt đá, lạc quan của tác giả thể hiện tinh thần thép của tác giả Hồ Chí Minh trong gian nan càng thêm kiên cường, anh hùng không hề lung lay mà càng bền gan quyết chí.
Bài thơ “Đi đường” không chỉ là bức tranh về thiên nhiên trên con đường chuyển lao của tác giả, mà nó còn khẳng định tinh thần ung dung lạc quan yêu đời của tác giả Hồ Chí Minh.
Thảo Nguyên