Phân tích khúc vĩ thanh trong bài thơ Tây Tiến

Phân tích khúc vĩ thanh trong bài thơ Tây Tiến

Bài làm

Tây Tiến là bài thơ nổi tiếng nhất của Quang Dũng. Anh bước vào làng thơ cách mạng với bài thơ ấy. Như có mối lương duyên ràng buộc, bài thơ gắn bó với người làm ra nó đến mức, cứ nói đến Tây Tiến là người ta nghĩ ngay đến Quang Dũng và ngược lại. Bởi vậy có thể nói, “Tây Tiến là đứa con đầu lòng hào hoa và tráng kiệt” ( Phong Lê), “ là đóa hoa thơm vào loại đẹp nhất của thơ ca những năm kháng chiến chống Pháp”, “ là thứ quả lại trái mùa một lệch chuẩn tài hoa” ( Trần Lê Văn). Tác phẩm đã khắc nên bức tượng đài đẹp đẽ về những chàng trai Hà Nội mang gươm đi cứu nước. Họ anh hùng, bất khuất trong chiến đấu, hào hoa, lãng mạn trong cuộc sống gian khổ, nhọc nhằn. Khi sống họ rất mực hào hoa, khi chết họ rất đỗi hào hùng, nguyện cùng gắn bó với đoàn quân Tây Tiến và miền Tây Bắc của đất nước trong lời thề nguyền:

“Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.”

phan tich khuc vi thanh trong bai tho tay tien - Phân tích khúc vĩ thanh trong bài thơ Tây Tiến

Ngay câu thơ đầu đã gợi nỗi buồn man mác. “ Người đi không hẹn ước” phải chăng là Quang Dũng hay các chiến sĩ đồng đội, họ đi đánh giặc hay đi về nơi an nghỉ an nghỉ vĩnh hằng. Hiện thực khốc liệt khiến không ai có thể hẹn ước được điều gì. Vùng biên giới của tổ quốc luôn rình rập những khó khăn, khắc nghiệt với địa hình trắc trở, khúc khuỷu, gập ghềnh, cao chót vót:

“ Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”

với những tiếng gầm thét, những dấu chân cọp oai linh chiều chiều; có cả những lớp sương mù như nhấn chìm cả đoàn binh. Người lính Tây Tiến còn phải đối mặt với những cơn sốt rét rừng luôn đe doạ mọi lúc mọi nơi. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc, sự hi sinh là không thể tránh khỏi và “đường lên thăm thẳm” gợi cho con đường hành quân gian nan của núi rừng Tây Bắc với những ngọn núi chạm mây trời và những vực sâu không có đáy. “ Một chia phôi” phải chăng là sự chia tách các thành viên của binh đoàn Tây Tiến khi hành quân hay là sự chia phôi giữa người còn sống và người đã hi sinh. Ra đi phải chia phôi, phải hi sinh là thế, nhưng

“Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm nứa chẳng về xuôi”

Đại từ nhân xưng “ai” được sử dụng thật tinh tế. “ Ai” có thể là Quang Dũng, cũng có thể là những người đồng đội, cũng có thể còn là những người của thế hệ mai sau sẽ đặt chân lên Tây Bắc- vùng đất xinh đẹp có những chiến binh sống hào hoa, chết hào hùng. “ Mùa xuân ấy” là thời điểm lịch sử không bao giờ trở lại. Đó là thời điểm năm 1947, binh đoàn Tây Tiến được thành lập. Năm ấy chính là mốc nhớ thương vĩnh viễn trong trái tim của những người lính Tây Tiến một thời. Giọng thơ ở câu “ hồn về Sầm nứa chẳng về xuôi” phảng phất nét buồn man mác nhưng ba chữ “ chẳng về xuôi” vẫn mang linh hồn hào hùng của cả dân tộc.

Bốn câu thơ khép lại một cảm xúc bâng khuâng làm lòng ta nao nao khó tả. Chàng trai Tây Tiến ra đi đều không hẹn ước ngày trở về. Đoạn thơ nhấn mạnh một lần nữa lời thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, dù khó khăn gian khổ nhưng không một ai thoái thác nhiệm vụ, đã ra đi sẽ quyết không trở lại nếu chưa giành được độc lập cho đất nước. “Đường lên thăm thẳm” gợi sự xa xôi cách trở ngàn trùng ngưng không gian ấy bỗng trở nên gần gũi bởi “ hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.

Nhận xét về Tây Tiến, Vũ Thu Hương cho rằng “ Tây Tiến là sự tiếp tục của một dòng thơ lãng mạn nhưng được tác giả thổi vào hồn thơ mới mẻ, rất trẻ, khác hẳn với những tiếng thơ bi lụy, não mùng”. Cái hồn thơ ấy đã được thổi vào bởi ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, bởi khúc vĩ thanh như là lời thề nguyện gắn bó với đoàn quân Tây Tiến và miền Tây Bắc tổ quốc. Có lẽ vì vậy, đọc Tây Tiến chúng ta như sống lại một thời máu lửa của dân tộc để cả đôi chân và tâm hồn cháy cùng đoàn quân lừng lẫy đã đi vào lịch sử. Theo thời gian chúng ta có thể quên đi hình dung về câu chữ nhưng hình ảnh đoàn quân ấy, cái dáng đi, cái tư thế hào hùng lãng mạn ấy cùng lời thề nguyện gắn bó ấy sẽ mãi là ấn tượng in đậm trong tâm trí bao người.