Phân tích tình yêu thiên nhiên trong bài thơ Cảnh Khuya và Rằm Tháng Giêng

Phân tích tình yêu thiên nhiên trong bài thơ Cảnh Khuya và Rằm Tháng Giêng

Hướng dẫn

“Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát Đứng bên tè đồng, ngó bèn ni đồng, bát ngát mênh mông. Thân em như chẽn lúa đòng đòng Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.”

Chỉ bằng vài câu dân ca mà đã có thể diễn tả được cảnh đẹp ruộng đồng xanh tươi bát ngát làm cho người đọc, người nghe tăng thêm lòng yêu mến thiên nhiên. Đề tài về thiên nhiên quả thật rất có sức hút với các tâm hồn thi sĩ và từ đó ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng, không phai mờ theo năm tháng như: “Bài ca Côn Sơn” của cụ Nguyễn Trãi, “Cảnh khuya” và “Rằm tháng giêng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và “Xa ngắm thác núi Lư” của thi tiên Lý Bạch. Mỗi bài thơ, mỗi phong cách, mỗi cách viết khác nhau nhưng nội dung đều chất chứa tình yêu mến cảnh thiên nhiên, thể hiện được sự giao hoà trọn vẹn giữa con người và thiên nhiên. Thiên nhiên và con người hoà hợp thành một tâm hồn.

Nếu ai một lần đọc bài thơ “Bài ca Côn Sơn” của cụ Nguyễn Trãi thì sẽ ghi sâu trong lòng một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp và phong cảnh Côn Sơn như hiện ra ngay trứơc mắt mặc dù vẫn chưa một lần đặt chân đến. Đọc hết bài thơ, ta cảm nhận được vẻ đẹp lâm tuyền của Côn Sơn qua bốn cảnh vật thiên nhiên rất dỗi gần gũi: suối, đá, thông, trúc, tầng tầng lớp lớp xuất hiện. Câu thơ đầu tiên, tác giả đã thành công khi miêu tả đêm dã về khuya, không gian tĩnh mịch. Trong không gian im ắng ấy, nổi lên một âm thanh trong trẻo, êm dịu của tiếng suối. Nhà thơ đã ví âm thanh đó như tiếng đàn cầm du dương, tạo cho tiếng suối như có hồn dồng thời chứng tỏ giữa con người với thiên nhiên có sự gần gũi, hoà hợp. Thế rồi ở những câu thơ tiếp theo, cảnh vật ở Côn Sơn phủ lên một màu xanh của rêu, thanh sạch đến độ con người ngồi trên đá rêu phơi mà cứ ngỡ như ngồi trên chiếu êm. Rồi còn màu xanh của thông, của trúc làm cho tâm hồn tác giả cảm thấy thư thái để sáng tác thơ, để cùng chia sẻ với mọi người cảnh vật mà tác giả được thưởng thức, qua đó làm tăng thêm tình cảm của mọi người đối với thiên nhiên.

Nếu như trong “Bài ca Côn Sơn”, cụ Nguyễn Trãi đã ví tiếng suối như tiếng đàn cầm thì trong bài “Cảnh khuya”, Hồ Chủ tịch lại ví tiếng suối như tiếng hát xa tạo cho người đọc thích thú trước hình ảnh so sánh rất sáng tạo của Bác Hồ. Câu thơ tiếp theo hướng ta tới cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của núi rừng Việt Bắc với cảnh ánh trăng lồng vào cây cổ thụ. Rồi như chiếc kính vạn hoa, cả hai biến hoá thành trăm đoá hoa li ti in trên mặt đất. Nhìn cảnh lại nghĩ đến mình, cảnh thiên nhiên như nhắc nhở nhà thơ nhớ đến vận mệnh của nước nhà. Lúc nào cũng vậy, vị cha già tuy luôn lo cho dần, cho nước nhưng tâm hồn vẫn luôn tươi trẻ, vẫn tràn ngập lòng yêu mến thiên nhiên.

Một bài thơ khác của Bác Hồ viết về cảnh đẹp nên thơ của thiên nhiên cũng không kém phần nổi tiếng, đó là bài “Rằm tháng giêng” Từng chữ từng câu đều chất chứa niềm vui thưởng thức vẻ đẹp đêm trăng. Còn gì đẹp hơn nữa khi đất trời vào xuân, vạn vật căng đầy sức sống được tổ điểm thêm một vần trăng tròn lồng lộng trên bầu trời tỏa ánh sáng huyền ảo, lung linh xuống mặt sông. Đẹp nhất là có lẽ về khuya, vầng trăng tròn lên cao, toả ánh sáng bàng bạc khắp con thuyền. Chắc có lẽ vì bất ngờ trông thấy cảnh tượng lãng mạn ấy mà Bác đã tạo ra một hình tượng nghệ thuật độc đáo. Chính tài năng này đã đem đến cho người đọc cảm nhận được sự thanh cao, trong sáng của thiên nhiên.

Dù từ đông sang tây, từ cổ chí kim thì đề tài về thiên nhiên vẫn bất hủ với vô số bài thơ tuyệt tác. Trong số dó bài thơ em thích nhất là bài “Xa ngắm thác núi Lư” của Lí Bạch. Ngay câu thơ đầu tiên, tác giả đã thể hiện được sự hoà hợp giữa trời và đất như một hình ảnh huyền ảo tạo nên bởi ánh nắng chiếu rọi vào dòng thác hoá thành một chiếc lư hương toả khói. Cảnh vật dược miêu tả từ xa. Điểm nhìn này không cho phép thấy dược sự vật tỉ mỉ, chi tiết nhưng lại phát hiện được vẻ đẹp huyền ảo của một thác nước. Đến gần mới thấy được nét kì vĩ của dòng nước trắng xoá từ trên cao ba nghìn thước ầm ầm đổ xuống giống như dải Ngân Hà tuột khỏi mây. Bút pháp lãng mạn với hình ảnh tưởng tượng đặc sắc đã minh chứng được tài năng xuất chúng và tình yêu thiên nhiên mãnh liệt của thiên tài Lý Bạch.

Sau khi đọc xong bốn bài thơ kiệt xuất trên, các bạn có cảm thấy lợi ích to lớn của thiên nhiên mang lại cho chúng ta không? Riêng tôi thì tôi cảm thấy thiên nhiên là nguồn cảm hứng bất tận cho những tác phẩm để đời. Chỉ cần chúng ta thả hồn vào thiên nhiên là có thể cảm nhận được hết cái tinh túy của vẻ đẹp dất trời từ đó loé lên những vần thơ để ghi trên trang giấy. Đây chính là niềm vui mà thiên nhiên mang lại cho những người thích thơ như tôi. Nhưng có thể nói rằng vui nhất là được trực tiếp tận hưởng những nét đẹp của thiên nhiên. Còn gì bằng khi được ngắm nhìn cảnh đồi thông xanh mát, cảnh thác nước hùng vĩ ở Đà Lạt. Rồi còn nữa biết bao nhiêu những phong cảnh tuyệt vời trên khắp đất nước ta…

Dù chưa được một lần đến ngắm cảnh Côn Sơn như cụ Nguyễn Trãi, cảnh núi rừng Việt Bắc như Bác Hồ, cảnh thác núi Lư như Lý Bạch, nhưng tác phẩm của các nhà thơ đã làm mọi người rung động với cái đẹp lạ lùng của thiên nhiên mà các tác giả dã nhìn thấy trong cảnh vật, từ đó cảm thấy trong lòng một sự sống tươi trẻ. Và đó chính là lí do mà các bài thơ “Bài ca Côn Sơn”, “Cảnh khuya”, “Rằm tháng giêng”, “Xa ngắm thác núi Lư” vần còn sống mãi cho đến nay và cả mai sau!

Nguồn: Vietvanhoctro.com